0

Rối loạn hoảng sợ: Triệu chứng và điều trị | Safe and Sound

Đã bao giờ bạn cảm thấy sợ hãi cực độ một vấn đề nào đó khiến người co rúm lại, hoảng loạn, chân tay run rẩy, cảm thấy như không thở được? Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần cho biết, những người mắc hội chứng rối loạn hoảng sợ thường xuyên gặp phải tình trạng này cho dù các vấn đề họ gặp phải không nghiêm trọng. 

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Rối loạn hoảng sợ là gì?

Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, rối loạn hoảng sợ là bệnh thuộc nhóm rối loạn lo âu, đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ kịch phát, xuất hiện đột ngột và mạnh mẽ. Bệnh nhân có cảm giác như mình sắp chết hay cho rằng mình bị nhồi máu cơ tim, phát điên hoặc mất kiểm soát bản thân.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, cơn hoảng sợ thường ngắn, đột ngột và gây ra các phản ứng dữ dội của cơ thể. Cảm giác lo lắng sợ hãi xuất hiện thường xuyên mặc dù không có nguyên nhân cụ thể, không có dấu hiệu báo trước.

Rối loạn hoảng sợ là một bệnh tâm thần khá phổ biến. Tỷ lệ mắc rối loạn hoảng sợ chiếm khoảng 1-4% dân số. Phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hai đến ba lần so với nam giới.

Khoảng 91% số bệnh nhân hoảng sợ có ít nhất một rối loạn tâm thần khác. Các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý khuyến cáo, khoảng một phần ba số người bị rối loạn hoảng loạn có trầm cảm trước khi khởi phát; khoảng hai phần ba bệnh nhân rối loạn hoảng sợ có cơn hoảng sợ lần đầu trong khi hoặc sau khi bị bệnh trầm cảm nặng.

2. Nguyên nhân của rối loạn hoảng sợ

Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh rối loạn hoảng sợ nhưng các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý đã tìm ra mối liên hệ giữa các vùng ở não bộ với cơn hoảng sợ. Các chất dẫn truyền thần kinh (serotonin và epinephrine) có thể làm yếu tố gây bệnh. 

Ảnh 1: Nỗi hoảng sợ có thể liên quan đến yếu tố di truyền, những ám ảnh quá khứ hoặc sự bất thường trong dẫn truyền thần kinh

Các cơn hoảng sợ có thể khởi phát đột ngột và không có cảnh báo, nhưng theo thời gian chúng thường được kích hoạt bởi một tình huống cụ thể. Một số yếu tố có thể đóng vai trò kích thích bao gồm: 

  • Di truyền học
  • Căng thẳng, nhạy cảm với căng thẳng hoặc dễ bị cảm xúc tiêu cực
  • Một số thay đổi trong cách hoạt động của các bộ phận chức năng não
  • Caffeine, nicotine và các chất khác có thể làm tăng cơn hoảng loạn
  • Các thuốc như steroid dùng cho bệnh hô hấp, thuốc dị ứng, ho và cảm lạnh,... cũng có thể góp phần gây ra bệnh.

3. Triệu chứng bệnh rối loạn hoảng sợ

Cơn tấn công hoảng sợ đầu tiên thường là hoàn toàn tự phát, mặc dù các cơn tấn công hoảng sợ thỉnh thoảng xuất hiện khi gắng sức, hoạt động tình dục hoặc khi có căng thẳng tâm lý vừa phải. 

Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, cơn tấn công hoảng sợ thường bắt đầu đột ngột với các triệu chứng phát triển rất nhanh trong khoảng 10 phút. Có rất nhiều triệu chứng cơ thể như mạch nhanh, đau ngực, cảm giác ngạt thở hoặc thiếu không khí, chóng mặt hoặc mất thăng bằng, cảm giác mất thực tế (giải thể thực tế hoặc giải thể nhân cách), tê liệt, nóng bừng hoặc lạnh buốt, ra nhiều mồ hôi, run chân tay hoặc run toàn thân. 

Các chuyên gia tâm lý cho biết triệu chứng tâm thần chính là sợ hãi cùng cực và cảm giác về cái chết sắp xảy ra và diệt vong. Bệnh nhân thường không thể xác định được nguồn gốc sợ hãi của họ, họ có thể cảm thấy bối rối và khó tập trung. Bệnh nhân thường cố gắng tìm sự giúp đỡ của mọi người ở xung quanh. Các cơn tấn công hoảng sợ thường kéo dài 20-30 phút và hiếm khi kéo dài hơn một giờ.

Theo các bác sĩ tâm thần, cơn hoảng sợ hay gặp ở người trẻ, hầu hết khoảng 30 tuổi, nhưng cũng có thể gặp ở người trẻ hơn hoặc nhiều tuổi hơn; hiếm gặp cơn hoảng sợ kịch phát đầu tiên xảy ra trong phạm vi một bệnh gây đe doạ tính mạng hoặc một tai nạn, mất mối liên hệ với những người thân hoặc trong khi sống xa gia đình. 

Ảnh 2: Người mắc chứng rối loạn hoảng sợ thường xuyên cảm thấy sợ hãi hoảng loạn đột ngột, cảm giác khó thở,...

Cơn hoảng sợ kịch phát có 4 (hoặc nhiều hơn) triệu chứng trong các triệu chứng sau, xuất hiện và phát triển nhanh chóng trong khoảng 10 phút.

  • Mạch nhanh, đánh trống ngực
  • Ra nhiều mồ hôi
  • Run tay, run chân
  • Cảm giác nghẹt thở
  • Cảm giác thở nông
  • Đau hoặc khó chịu ở ngực
  • Buồn nôn hoặc đau bụng
  • Cảm giác chóng mặt, mất thăng bằng
  • Giải thể thực tế hoặc giải thể nhân cách
  • Sợ mất kiểm soát và phát điên
  • Sợ chết
  • Cảm giác chết lặng
  • Lạnh cóng hoặc nóng bừng

4. Điều trị rối loạn hoảng sợ

Việc điều trị rối loạn hoảng sợ là một con đường dài và vô cùng khó khăn, không phải ngày 1, ngày 2 là có thể khỏi được. Vì vậy người bệnh cần thực sự kiên trì thực hiện theo đúng phác đồ từ bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý, điều chỉnh chế độ sống lành mạnh, tái khám thường xuyên để nhanh chóng kiểm soát bệnh phù hợp. 

4.1. Điều trị bằng thuốc

Tùy tình trạng bệnh, tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc tối thiểu 6 tháng để kiểm soát các triệu chứng, cảm xúc, hành vi hoảng loạn. Sau khi các dấu hiệu rối loạn hoảng sợ đã dần được kiểm soát, bác sĩ tâm thần sẽ giảm liều dần cho tới khi bệnh thuyên giảm hẳn. Người bệnh phải tái khám thường xuyên để kiểm soát mức độ bệnh và điều chỉnh lượng thuốc phù hợp.

Thường việc điều trị rối loạn hoảng sợ kéo dài rất lâu, có thể lên tới 30 tháng để loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng, đưa người bệnh hoàn toàn hòa nhập với cuộc sống bình thường. Nếu các loại thuốc trên không đem đến tác dụng tốt bác sĩ cũng sẽ xem xét để điều chỉnh các thuốc liều mạnh hơn.

Tuy nhiên việc dùng thuốc cần đảm bảo có sự chỉ định của bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý bởi một số nhóm thuốc có thể gây nghiện, khiến người bệnh phụ thuộc vào thuốc nên không thể dùng lâu dài. Người bệnh tuyệt đối tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ, không tự ý tăng hay giảm liều vì có thể gây ra rất nhiều vấn đề nguy hiểm khác.

4.2. Trị liệu tâm lý

Rối loạn hoảng sợ là một dạng bệnh tâm lý, vì thế việc dùng thuốc chỉ mang tác dụng kiểm soát bệnh tạm thời để giảm nhẹ các triệu chứng, không thể loại bỏ bệnh hoàn toàn. Việc lựa chọn phương pháp tâm lý trị liệu để giải quyết tận gốc chứng bệnh rối loạn hoảng sợ sẽ giúp người bệnh khai mở cảm xúc, tìm được cốt lõi nguyên nhân của sự sợ hãi, giải tỏa tâm trạng, từ đó dần dần cải thiện bệnh tốt hơn.

Thông qua các cuộc trò chuyện cùng một số biện pháp chuyên môn, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần giúp người bệnh thay đổi những suy nghĩ, định hướng tích cực hơn, từ đó có thể kiểm soát được hành vi, cảm xúc của bản thân tốt hơn.

: Rối loạn hoảng sợ: Triệu chứng và điều trị | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound